Lê Ngọc Tuấn (SN 1985) hiện là Trưởng phòng phát triển sản phẩm - Ban Công nghệ FPT. Tuấn đang đảm nhận nhiều dự án công nghệ liên quan đến tự động hóa, IoT của Cty như: Phát triển hệ điều hành cho điện thoại; phát triển hai robot Wabo (bồi bàn tự động) và Shopie (robot đi siêu thị); sản phẩm Rogo - robot gia đình và Rogo Alfa - thiết bị trung tâm cho những ngôi nhà thông minh; phát triển nền tảng cho cuộc thi lập trình ứng dụng di động (S.M.A.C Challenge), và mới nhất là dự án Cuộc đua số (Cuộc thi lập trình cho xe không người lái)…

 

Yêu thích và ước mơ chế tạo robot từ bé, thi đỗ vào khoa Tự động hóa (ĐH Bách khoa Hà Nội), vừa học lý thuyết, Tuấn vừa năng nổ tham gia làm các dự án thực tế. Năm thứ hai đại học, Tuấn lập đội tham gia Robocon 2005.

Đầu năm 2016, Lê Ngọc Tuấn và một số người bạn đã tự bỏ tiền thuê địa điểm, mua các trang thiết bị ban đầu để xây dựng cộng đồng Maker Hà Nội với ba hoạt động chính gồm: Chia sẻ không gian làm việc chung; Xây dựng khóa học online/offline cho học sinh, sinh viên về Arduino, mBed, Scratch; Làm và chia sẻ các dự án về IoT. Đến nay, cộng đồng đã hơn 50 thành viên chính thức gồm những người đang công tác, học tập trong lĩnh vực công nghệ. “Maker Hà Nội là nơi để những người yêu công nghệ, nhất là các bạn trẻ chia sẻ ý tưởng, kinh nghiệm để cùng làm việc, cùng sáng tạo. Qua đó, rút ngắn thời gian phát triển ý tưởng, sáng tạo sản phẩm, kiểm soát kinh phí; đồng thời tư vấn định hướng giúp các bạn trẻ tầm soát yếu tố thị trường, ứng dụng thực tiễn… khi xây dựng ý tưởng, phát triển sản phẩm”, Tuấn nói.

 

Mở lớp học robotic cho trẻ em

Cùng với việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm IoT, Lê Ngọc Tuấn và các thành viên Maker Hà Nội còn mở lớp học về Robotic. Mục đích là nhằm giới thiệu đến các học sinh tiểu học khả năng tư duy lập trình căn bản, hiểu và sử dụng các cảm biến, thiết bị điện tử bằng cách làm các sản phẩm tự động hoá thật qua phần mềm. Bên cạnh đó, nhóm cũng đã cho ra đời bộ sản phẩm lắp ghép ABC Maker KIT giúp các em nhỏ có thể học và dễ dàng sáng tạo các sản phẩm thông minh như: Dàn phơi quần áo tự động, kính cho người mù, cánh tay máy robot…

Không chỉ dạy cho các bạn nhỏ ở thành phố lớn, nhóm của Tuấn còn về tận các vùng nông thôn để giảng dạy. Đến nay, đã có hơn 20 lớp được mở tại các thành phố lớn, vùng nông thôn ở Hà Nội, TPHCM, Vũng Tàu, Hải Dương.

Lê Ngọc Tuấn cho rằng, việc dạy công nghệ và tinh thần sáng tạo cho trẻ là để chuẩn bị cho thế hệ trẻ có nền tảng về công nghệ, lan toả niềm yêu thích sáng tạo; đồng thời giới thiệu, truyền tới người lớn biết về thiết bị, sản phẩm và xu hướng phát triển công nghệ. “Qua những lớp học này tạo sự quan tâm, hứng thú với các sản phẩm công nghệ và yêu thích sáng tạo những trò chơi công nghệ mới thay cho tâm lý thụ hưởng, chỉ sử dụng trong người trẻ”, Tuấn nói.